Hội nghị nâng cao năng lực, kiến thức trợ giúp pháp lý cho cán bộ cơ sở trên địa bàn thành phố Tân An
Sáng ngày 08/5/2025, Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) phối hợp Sở Tư pháp tỉnh Long An tổ chức lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức về trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn thành phố Tân An theo tinh thần Công văn số 214/PB&TG-TTPL ngày 05/5/2025 của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp).
Nhằm nâng cao năng lực, kiến thức về TGPL cho đội ngũ cán bộ thực hiện các hoạt động TGPL và các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời giải thích về TGPL cho người dân và hướng dẫn người dân thuộc TGPL đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước (Trung tâm) khi gặp vướng mắc pháp luật.
Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu gồm đại diện Lãnh đạo UBND thành phố Tân An; lãnh đạo, công chức phòng tư pháp thành phố; đại diện lãnh đạo UBND các xã, phường; các cán bộ, công chức, công an, quân sự, ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể gồm Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh; các Trưởng, Phó ấp/khu phố; các chi, tổ hội của các đoàn thể, cộng tác viên giảm nghèo, người có uy tín trong cộng đồng, các tổ chức và cá nhân có liên quan trên địa bàn thành phố Tân An.

Tại Hội nghị, các đại biểu được nghe Tiến sĩ Nguyễn Đắc Tuân_Giảng viên chính Khoa Pháp luật hình sự_Trường Đại học Luật Hà Nội triển khai những nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, được giới thiệu, trao đổi về hoạt động TGPL, những quy định của pháp luật về người được TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, tổ chức thực hiện TGPL, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động TGPL, cách thức yêu cầu TGPL khi có sự kiện pháp lý diễn ra. Đồng thời, Tiến sĩ Nguyễn Đắc Tuân cũng phân tích, nêu ví dụ cụ thể như thế nào là hành vi bạo lực gia đình, phân tích tâm lý của người chưa thành niên, nêu các thủ đoạn của các đối tượng trong các vụ án mua bán người,… để các đại biểu nhận biết là có cách tuyên truyền cho người dân ở cơ sở nắm bắt và phòng ngừa.
Tiến sĩ Nguyễn Đắc Tuân triển khai các nội dung tại Hội nghị
Bên cạnh đó, tại Hội nghị, Ban tổ chức còn phát phiếu khảo sát đánh giá mức độ hiểu biết, khả năng tiếp cận chính sách pháp luật về TGPL, nhu cầu tiếp cận các chính sách của Nhà nước cho các đại biểu nhằm giúp đánh giá khả năng tiếp cận cũng như nhu cầu tập huấn, bồi dưỡng pháp luật TGPL nói riêng, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung cho các đối tượng được khảo sát. Ngoài ra, các đại biểu còn được phát Sổ tay TGPL, nội dung Sổ tay gồm các quy định của pháp luật về những người thuộc diện TGPL, quyền và nghĩa vụ của người được TGPL, các lĩnh vực và hình thức TGPL, thủ tục để được TGPL,…
Có thể thấy, thông qua Hội nghị tập huấn giúp cho cán bộ, công chức, viên chức và nhất là cán bộ ở cơ sở và người có uy tín trong cộng đồng được tiếp cận, nâng cao năng lực, kiến thức về lĩnh vực TGPL. Các cán bộ ở xã, ấp/khu phố và người có uy tín trong cộng đồng là những người gần dân, sát dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, suy nghĩ và hành vi pháp lý của người dân. Khi được tập huấn, họ sẽ hiểu rõ hơn về Luật TGPL, đối tượng được hưởng quyền, cách thức yêu cầu trợ giúp…, từ đó giải thích, tuyên truyền lại cho người dân một cách dễ hiểu và gần gũi. Những cán bộ trên là “cầu nối” giữa người dân và Trung tâm họ sẽ biết cách hướng dẫn người dân tiếp cận đúng địa chỉ Trung tâm, hướng dẫn hồ sơ, gọi điện hoặc giới thiệu đến Trung tâm khi có nhu cầu. Góp phần bảo đảm công bằng, nâng cao niềm tin của người dân vào pháp luật khi người dân được tiếp cận vào hệ thống pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Đồng thời, việc được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp sẽ giúp người dân, hiện thực hóa nguyên tắc: “Không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiếp cận pháp luật và công lý”. Đặc biệt là người yếu thế, không cảm thấy bị bỏ rơi hoặc phân biệt đối xử, từ đó củng cố khối đại đoàn kết toàn dân./.
Công Trạng_TGPL