UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh tồn tại, hạn chế sau kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2024
Qua kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024 cho thấy các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch CCHC, tuyên truyền công tác CCHC năm 2024 và tổ chức triển khai thực hiện; tổ chức kiểm tra công tác CCHC đối với các đơn vị trực thuộc; tổ chức khắc phục tồn tại, hạn chế nâng cao Chỉ số CCHC; tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đúng trình tự, thủ tục quy định; một số đơn vị có phương án rà soát thủ tục hành chính (TTHC) theo Kế hoạch của UBND tỉnh; tỉnh tiếp tục duy trì triển khai sử dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh, phát huy hiệu quả trong phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp.…
Tuy nhiên, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện công tác CCHC ở một số cơ quan, đơn vị có lúc chưa được nâng cao, công tác kiểm tra, đôn đốc chưa được đẩy mạnh, việc chấn chỉnh trách nhiệm thực thi công vụ tại một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm thực hiện. Còn tình trạng ban hành văn bản có hình thức cá biệt nhưng quy định nội dung quy phạm pháp luật chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, chưa kịp thời trong việc rà soát, xử lý văn bản không còn phù hợp theo quy định. Việc niêm yết TTHC tại một số cơ quan, đơn vị nhất là cấp xã chưa cập nhật kịp thời, chưa đầy đủ nội dung theo quy định, kiểm tra tình hình tiếp nhận giải quyết hồ sơ còn nhiều tồn tại hạn chế nhất là trên các lĩnh vực như đất đai, tư pháp, xây dựng, lao động thương binh và xã hội. Công tác phối hợp giải quyết TTHC giữa các cơ quan liên quan chưa đồng bộ nên còn hồ sơ TTHC trễ hạn, tỷ lệ hồ sơ trả không giải quyết một số đơn vị còn cao cho thấy tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) chưa được thể hiện. Giải quyết hồ sơ TTHC chưa tuân thủ quy trình; thành phần hồ sơ tiếp nhận không đảm bảo theo quy định, còn tình trạng tiếp nhận thừa, thiếu thành phần hồ sơ; hồ sơ giấy và hồ sơ điện tử chưa đồng bộ; trách nhiệm của cơ quan nhà nước thực hiện nhưng yêu cầu người dân phải thực hiện; yêu cầu bổ sung không đúng quy định, kéo dài thời gian quyết, giải quyết hồ sơ còn nhiều sai sót gây phiền hà cho người dân, tổ chức; không cập nhật hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, tiếp nhận tại bộ phận chuyên môn của đơn vị, …
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngày 16/12/2024, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 13033/UBND-THKSTTHC chỉ đạo chấn chỉnh tồn tại, hạn chế sau kiểm tra cải cách hành chính năm 2024, theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1. Phát huy vai trò trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC, chỉ đạo thường xuyên rà soát các nhiệm vụ trong kế hoạch công tác CCHC năm 2024 của cơ quan, đơn vị đã đề ra để đảm bảo thực hiện hoàn thành 100% các nhiệm vụ theo kế hoạch. Tập trung chỉ đạo quyết liệt đối với lĩnh vực cải cách TTHC để nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức khi giải quyết hồ sơ TTHC. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra công vụ đặc biệt là kiểm tra đột xuất, qua đó kịp thời chấn chỉnh trách nhiệm công vụ của CBCCVC, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ Nhân dân, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm làm ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan hành chính nhà nước. Rà soát lựa chọn, bố trí CBCCVC có đủ năng lực để giao nhiệm vụ, đảm bảo nhiệm vụ về CCHC được triển khai thực hiện có hiệu quả.
2. Tăng cường kiểm tra, rà soát, xử lý các văn bản ban hành chưa phù hợp quy định hiện hành, đặc biệt là ban hành văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật và có chứa TTHC.
3. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra, theo dõi việc giải quyết hồ sơ TTHC đảm bảo thực hiện đúng theo Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 và Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC để kịp thời chấn chỉnh nâng cao chất lượng phục vụ người dân, xử lý nghiêm CBCCVC có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chậm trễ hoặc tự đặt thêm quy định trong giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nâng cao trách nhiệm phối hợp trong giải quyết TTHC, tránh các trường hợp tiếp nhận thừa, thiếu thành phần hồ sơ, trách nhiệm của cơ quan nhà nước nhưng yêu cầu người dân phải thực hiện, các trường hợp sai sót khi giải quyết TTHC… gây phiền hà cho người dân. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc kịp thời phản ánh về các sở ngành tỉnh phụ trách để được hướng dẫn giải quyết kịp thời.
4. Nghiêm cấm tuyệt đối việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC tại bộ phận chuyên môn, không thông qua Bộ phận Một cửa các cấp và không cập nhật hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Các trường hợp sai phạm yêu cầu các cơ quan, đơn vị xử lý nghiêm và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
5. Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ công chức, viên chức làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC về quy trình, thành phần hồ sơ, các biểu mẫu… để đảm bảo việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, tổ chức được thực hiện đúng quy định, tránh trường hợp yêu cầu người dân bổ sung các thành phần hồ sơ ngoài quy định. Kịp thời xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; quan tâm bồi dưỡng, bố trí những công chức, viên chức giỏi, có đủ năng lực chuyên môn và các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đến làm việc tại Bộ phận một cửa các cấp nhằm phục vụ tốt hơn trong việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.
6. Tiếp tục rà soát và bố trí CBCCVC theo đề án vị trí việc làm đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC, chú trọng công tác bồi dưỡng theo quy định tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 89/2021/NĐ-CP ngày 18/10/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2017/NĐ-CP. Quan tâm bố trí số lượng lãnh đạo các phòng chuyên môn đúng quy định, phù hợp với việc xác định Chỉ số CCHC của tỉnh.
7. Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả của cơ quan hành chính nhà nước; tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm dùng chung của tỉnh; tập trung phát triển dữ liệu số, cung cấp dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu dùng chung theo quy định; tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nộp hồ sơ qua Dịch vụ công trực tuyến. Thường xuyên rà soát Trang thông tin điện của cơ quan, đơn vị để đảm bảo cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
8. Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường kiểm tra, hướng dẫn cụ thể về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC thuộc ngành mình quản lý, để kịp thời chấn chỉnh các tồn tại, hạn chế, giảm tình trạng tiếp nhận, giải quyết hồ sơ sai sót gây phiền hà cho người dân, ảnh hưởng đến Chỉ số SIPAS và Chỉ số PAPI của tỉnh.
9. UBND huyện Đức Hòa, Thạnh Hóa, Mộc Hóa và thành phố Tân An: Ngoài việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ CCHC còn tăng cường chỉ đạo nâng cao Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS; đặc biệt là thường xuyên quan tâm kiểm tra, đôn đốc các đơn vị cấp xã được chọn điều tra, khảo sát kịp thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để góp phần nâng cao Chỉ số PAPI, SIPAS của tỉnh./.
File đính kèm: VB so 13033 cua UBND tinh.pdf
Ngọc Ánh