Tăng cường công tác bảo đảm an ninh mạng, phòng, chống tấn công mạng
Thời gian qua, tình hình an ninh mạng, tấn công mạng trong nước diễn ra hết sức phức tạp, nguy hiểm trong khi hệ thống thông tin của các ban, bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp còn bộc lộ nhiều điểm yếu có nguy cơ gây mất an ninh mạng, chỉ một cuộc tấn công nhỏ lẻ có thể lan rộng, xâm nhập toàn bộ hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia. Đặc biệt nguy hiểm, khi có xung đột hoặc xảy ra chiến tranh mạng, các đối tượng có thể tự động kích hoạt, tán phát mã độc trên diện rộng, làm “tê liệt” hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý trên môi trường mạng của các cơ quan trọng yếu của Đảng, Chính phủ, chính quyền địa phương, tập đoàn, doanh nghiệp...
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, xử lý 211.000 cảnh báo tấn công mạng và 20 sự cố an ninh mạng. Đặc biệt, trong bối cảnh các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, xây dựng nhiều hệ thống thông tin quan trọng, mang tính liên kết sâu rộng càng làm cho hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng phức tạp, nguy hiểm hơn. Nổi lên thời gian qua là hoạt động tấn công mã hóa dữ liệu, đòi tiền chuộc nhằm vào các tập đoàn, doanh nghiệp tài chính, năng lượng, viễn thông “mũi nhọn" gây ngưng trệ hoạt động quản lý điều hành, thiệt hại lớn về kinh tế, uy tín của doanh nghiệp. Hệ thống thông tin của một số cơ quan Trung ương, bộ ngành, địa phương còn bị các nhóm tin tặc đã tấn công chiếm quyền quản trị, thay đổi giao diện, lây nhiễm mà độc gián điệp. Hoạt động trao đổi, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân diễn ra công khai trên một số diễn đàn, hội nhóm, các đối tượng tổ chức thành đường dây quy mô lớn, hoạt động chuyên nghiệp, với hàng nghìn thành viên tham gia.
Nguyên nhân của tỉnh trạng trên xuất phát từ nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân còn hạn chế: khả năng ứng cứu, xử lý, khắc phục sự cố trước các cuộc tấn công mạng còn thấp, nhiều hệ thống công nghệ thông tin quan trọng đầu tư không đồng bộ, không được giám sát, kiểm tra, đánh giá định kỳ, thường xuyên, tồn tại điểm yếu kỹ thuật, lỗ hổng bảo mật; việc chấp hành quy trình, quy định về bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân chưa nghiêm, không đầy đủ; việc quan tâm đầu tư về nguồn lực phục vụ công tác bảo đảm an ninh hệ thống mạng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu...
Để khắc phục khó khăn, hạn chế, tăng cường công tác phòng, chống tấn công mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân, Văn phòng Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia đề nghị các Tiểu ban An toàn, an ninh mạng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương triển khai một số nội dung sau đây:
- Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật An ninh mạng năm 2018, Nghị định số 53/2022/NĐ-CP ngày 15/8/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an ninh mạng, Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Hướng dẫn các biện pháp tăng cường bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia…
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến trong toàn hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống mạng, bảo vệ bí mật nhà nước, thông tin dữ liệu cá nhân trên không gian mạng;…
- Tiến hành rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy trình, quy chế, hướng dẫn về bảo vệ an ninh mạng; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo việc chấp hành, thực hiện nghiêm túc trong toàn đơn vị;…
- Tăng cường đầu tư về công nghệ, hệ thống kỹ thuật đảm bảo các quy chuẩn, tiêu chuẩn theo quy định, tránh tình trạng tập trung chuyển đổi số mà thiếu sự quan tâm đến công tác bảo đảm an toàn an ninh mạng…
- Tập trung đầu tư, phân bổ kinh phí, bố trí nhân lực bảo vệ an ninh mạng; thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, đảng viên, đội ngũ chuyên trách công nghệ thông tin, an ninh mạng tại cơ quan, đơn vị…/.
P.PBGDPL. STPLA