Sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành 01 tỉnh mới là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển, tình hình thực tiễn hiện nay
Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp là cần thiết nhằm mở rộng và bảo đảm tính thống nhất về không gian địa lý, sự liên thông của các nguồn lực, bố trí và sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực phát triển của đất nước. Việc xây dựng nền quản trị quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả với sự tham gia của nhiều chủ thể dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi vai trò quản lý của các cấp chính quyền địa phương. Hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tạo khả năng kết nối hiệu quả giữa chính quyền và người dân, cộng đồng doanh nghiệp, khoảng cách không gian giữa chính quyền và người dân, doanh nghiệp không còn nhiều. Vì vậy, tổ chức hợp lý, hướng đến ổn định lâu dài của ĐVHC các cấp có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền địa phương, phát huy được những tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương, vùng nói riêng và của cả nước nói chung.
Trong lịch sử hình thành, Long An và Tây Ninh từng là một phần của phủ Gia Định. Trước khi trở thành hai tỉnh như ngày nay, trong lịch sử hình thành tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh đều trải qua nhiều thay đổi về mặt địa giới hành chính.
Về phát triển kinh tế, trong những năm qua, Long An và Tây Ninh đều là “điểm sáng” trong bức tranh tổng thể nền kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Tuy không dẫn đầu, nhưng cả hai đều có vị trí chiến lược, tiềm năng kinh tế lớn và những bước đi mạnh mẽ trong việc phát triển hạ tầng, khu công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, Long An là địa phương có vị trí đặc biệt quan trọng khi tiếp giáp Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Tây Ninh và Campuchia. Nhờ nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, Long An vừa có điều kiện để phát triển công nghiệp, vừa có thế mạnh phát triển về nông nghiệp. Tương tự, tỉnh Tây Ninh có vị trí chiến lược nằm giữa vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đang trở thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế. Nhờ lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông đồng bộ, đặc biệt cửa khẩu Mộc Bài - một trong những cửa khẩu quốc tế quan trọng nhất khu vực phía Nam - Tây Ninh đang vươn lên mạnh mẽ trên bản đồ kinh tế Việt Nam. Hiện nay, hai tỉnh đang ưu tiên phát triển công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Bên cạnh đó, Tây Ninh và Long An đang tăng cường kết nối hạ tầng giao thông để thúc đẩy giao thương giữa hai tỉnh. Các tuyến đường như ĐT.822, ĐT.823, ĐT.825... đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh với các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, tỉnh Long An. Điều này giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng giữa các khu công nghiệp của hai địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Hiện nay, Long An là một trong những địa phương có tốc độ phát triển khu công nghiệp mạnh nhất cả nước với 37 khu công nghiệp và 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 15.000 ha, có sức hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tây Ninh có 09 khu công nghiệp và 07 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 4.500 ha, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.
Tuy nhiên, tỉnh Long An và tỉnh Tây Ninh hiện nay đều chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên; việc duy trì 02 ĐVHC riêng biệt dẫn đến làm phân tán các nguồn lực, tiềm năng của các địa phương cho phát triển kinh tế - xã hội; ảnh hưởng lớn đến công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và việc phát triển các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô lớn. Trong khi đó, thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số, giúp giải quyết thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và đảm bảo hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước đang là yêu cầu cấp thiết.
Tỉnh Long An và Tây Ninh đều có cơ cấu kinh tế tương đồng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giáp ranh nhau và cùng giáp với Vương quốc Campuchia. Việc sáp nhập 02 tỉnh thành 01 tỉnh mới sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo phù hợp quy mô diện tích, dân số, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Do đó, việc sáp nhập tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An thành 01 tỉnh mới là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển, tình hình thực tiễn hiện nay và được nhân dân đồng tình ủng hộ. Việc sáp nhập sẽ mở rộng không gian phát triển, phát huy lợi thế thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân, quy mô kinh tế tăng và thuộc nhóm cao trong cả nước, nền nông nghiệp được toàn diện hơn. Nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các nghị quyết, chủ trương, kết luận, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp thì việc xây dựng “Đề án hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An” là cần thiết… (Theo Đề án số 30-ĐA/TU ngày 24/4/2025 của Tỉnh uỷ Long An về việc hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tây Ninh và tỉnh Long An)./.
P.PBGDPL.STPLA