Bộ Tài chính Quy định quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí duy trì tài nguyên Internet, lệ phí phân bổ và cấp tài nguyên Internet
Ngày 19/3/2025, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 10/2025/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí duy trì tài nguyên Internet cùng lệ phí phân bổ, cấp tài nguyên Internet. Theo đó:
Các loại phí và lệ phí được quy định
Theo Thông tư, các khoản phí bao gồm phí duy trì tên miền quốc gia .vn, phí duy trì địa chỉ IP và phí duy trì số hiệu mạng. Ngoài ra, lệ phí đăng ký cũng được áp dụng khi cấp phát các tài nguyên này. Mức thu cụ thể đối với từng loại tài nguyên Internet được quy định chi tiết trong biểu phí ban hành kèm theo Thông tư.
Đối tượng áp dụng
Thông tư áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài được cấp, đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia .vn. Đồng thời, các tổ chức trong nước được phân bổ, cấp phát địa chỉ IP và số hiệu mạng cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý tài nguyên Internet chịu trách nhiệm thu phí và thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư.
Quy định về mức thu phí
- Tên miền quốc gia .vn:
+ Lệ phí đăng ký nộp một lần khi đăng ký mới, trong khi phí duy trì được đóng hàng năm nhằm đảm bảo tên miền hoạt động liên tục. Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng, bên nhận chuyển nhượng phải nộp lệ phí đăng ký lại và tiếp tục đóng phí duy trì theo quy định.
+ Một số nhóm đối tượng đặc biệt được miễn phí duy trì trong hai năm đầu, gồm:
● Công dân Việt Nam từ 18 đến 23 tuổi đăng ký tên miền “id.vn” sẽ bắt đầu nộp phí từ năm thứ ba.
● Doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký trong vòng 12 tháng tính đến thời điểm đăng ký và hộ kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh khi đăng ký tên miền “biz.vn” sẽ nộp phí từ năm thứ ba.
+ Thời điểm bắt đầu thu phí là ngày đầu tiên của năm thứ ba kể từ ngày cấp tên miền. Quy định này chỉ áp dụng đối với một tên miền đăng ký mới đầu tiên của mỗi cá nhân hoặc doanh nghiệp.
- Địa chỉ IP: Lệ phí đăng ký sử dụng địa chỉ IP chỉ nộp một lần, trong khi phí duy trì được tính theo năm để đảm bảo quản lý liên tục. Nếu tổ chức sử dụng đồng thời cả IPv4 và IPv6 với cùng mức sử dụng, chỉ cần nộp phí cho một loại địa chỉ. Ngược lại, nếu mức sử dụng khác nhau, phí sẽ được tính theo mức cao nhất.
- Số hiệu mạng: Lệ phí đăng ký số hiệu mạng áp dụng từ số thứ ba trở đi, phí duy trì cũng được thu hàng năm theo số hiệu từ số thứ ba. Khi tổ chức được cấp phát thêm số hiệu mạng hoặc có sự thay đổi về chủ thể đăng ký, mức phí có thể được điều chỉnh phù hợp với mức sử dụng mới.
Quy định về nộp và quản lý phí, lệ phí
Thông tư cũng quy định rõ về việc nộp và quản lý phí, lệ phí nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch. Theo đó, tổ chức thu phí được giữ lại 85% số tiền thu được để phục vụ công tác quản lý và vận hành hệ thống tài nguyên Internet. Khoản này bao gồm các chi phí liên quan đến việc cấp phát, đăng ký và duy trì tên miền, địa chỉ IP và số hiệu mạng. Phần còn lại, tương đương 15% số tiền thu được, sẽ được nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của Luật Phí và Lệ phí. Việc quản lý và sử dụng khoản phí được giữ lại phải tuân thủ các quy định tại Nghị định số 82/2023/NĐ-CP.
Thông tư số 10/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 3/5/2025, thay thế Thông tư số 23/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đăng ký, sử dụng tài nguyên Internet cần nắm rõ các quy định mới để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, đảm bảo quyền lợi khi sử dụng tài nguyên./.
Diễm Trinh.