image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Hỏi đáp: về Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 (Kỳ thứ hai)
Câu 1. Thế nào là bầu cử dân chủ, đúng pháp luật? Một cuộc bầu cử được coi là bầu cử dân chủ và đúng pháp luật phải đảm bảo các yếu tố sau đây: - Việc bầu cử phải tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. - Bảo đảm các quyền bầu cử, ứng cử, vận động bầu cử. Quy định cụ thể những trường hợp bị tước quyền bầu cử, ứng cử; những trường hợp không được thực hiện quyền bầu cử, ứng cử và những trường hợp không tham gia bầu cử. - Quy định rõ quy trình, thủ tục giới thiệu người ứng cử, hiệp thương, bầu cử lại, bầu cử thêm, bầu cử bổ sung để đảm bảo lựa chọn được những người tiêu biểu, xứng đáng làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. - Bảo đảm quyền của cử tri nơi người ứng cử công tác (hoặc làm việc), cư trú được nhận xét, bày tỏ ý kiến của mình về sự tín nhiệm đối với người ứng cử. - Quy định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác bầu cử. - Việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về bầu cử phải được thực hiện nghiêm túc, nhanh chóng; các vi phạm về bầu cử phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Câu 1.      Tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là bao nhiêu người? Việc dự kiến cơ cấu nữ, người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV được quy định như thế nào?

Tại cuộc bầu cử lần này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến tổng số đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu là 500 đại biểu.

Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn chủ tịch Ban chấp hành trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là phụ nữ.

Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Số người được giới thiệu để ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cũng phải bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân là phụ nữ; số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Riêng Long An, Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến do địa phương giới thiệu là 05 người.

Câu 2.      Việc ấn định số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử được tiến hành như thế nào?

Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được chia thành các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội. Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được tính căn cứ theo số dân, do Hội đồng bầu cử quốc gia ấn định theo đề nghị của Ủy ban bầu cử ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và được công bố chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Ngày 3/3/2021, Hội đồng bầu cử Quốc gia đã ban hành NQ 64 đã ấn định dơn vị bầu cử, danh sách đơn vị bầu cử và số lượng ĐBQH được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, theo đó đối với tỉnh Long An, cụ thể như sau:

Số đơn vị bầu cử là 3, số DBQH được bầu là 08

Đơn vị số 1 gồm cac huyện: Đức Huệ, Đức Hòa, Bến Lức, Tân Trụ; số DB đước bầu là 3

Đơn vị số 2 gồm: Huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Châu thành và TP Tân An, số ĐB được bầu là 03

Đơn vị số 3 gồm: các huyện Thủ Thừa, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân hưng và TX Kiến Tường, số ĐB dược bầu là 02

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân: số đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử do Ủy ban bầu cư ở cấp đó ấn định theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cùng cấp và được công bố chậm nhất là chậm nhất là ngày 04 tháng 3 năm 2021 (80 ngày trước ngày bầu cử).

Ngày 01/3/2021, Ủy ban Bầu cử tỉnh Long An ban hành Nghị quyết số 15/NQ-UBBC về việc ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó:

1. Số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được bầu: 60 đại biểu.

2. Số đơn vị bầu cử: 19 đơn vị.

3. Danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021 - 2026 được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử, gồm:

- Đơn vị bầu cử số 01: Huyện Đức Huệ, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 02, gồm các xã, thị trấn: Lộc Giang, An Ninh Tây, An Ninh Đông, thị trấn Hiệp Hòa, Hiệp Hòa, Tân Mỹ, thị trấn Hậu Nghĩa, Đức Lập Thượng, Đức Lập Hạ, Đức Hòa Thượng, Mỹ Hạnh Nam thuộc huyện Đức Hòa, được bầu 05 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 03, gồm các xã, thị trấn: Hòa Khánh Nam, Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Mỹ Hạnh Bắc, Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ, thị trấn Đức Hòa, Hựu Thạnh, Hòa Khánh Đông thuộc huyện Đức Hòa, được bầu 05 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 04, gồm thị trấn Bến Lức và các xã: Long Hiệp, Phước Lợi, Mỹ Yên, Tân Bửu, Thanh Phú thuộc huyện Bến Lức được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 05, gồm các xã: An Thạnh, Tân Hòa, Lương Hòa, Lương Bình, Thạnh Lợi, Thạnh Hòa, Bình Đức, Thạnh Đức, Nhựt Chánh thuộc huyện Bến Lức được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 06: Huyện Thủ Thừa, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 07: Thành phố Tân An, được bầu 05 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 08: Huyện Châu Thành, được bầu 04 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 09: Huyện Tân Trụ, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 10, gồm thị trấn Cần Đước và các xã: Tân Lân, Tân Chánh, Tân Ân, Phước Đông, Phước Tuy, Long Hựu Đông, Long Hựu Tây thuộc huyện Cần Đước, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 11, gồm các xã: Long Định, Long Cang, Phước Vân, Long Sơn, Tân Trạch, Long Khê, Long Trạch, Long Hòa, Mỹ Lệ thuộc huyện Cần Đước, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 12, gồm các xã: Phước Lý, Long Thượng, Phước Hậu, Phước Lâm, Mỹ Lộc, Long An, Thuận Thành thuộc huyện Cần Giuộc, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 13, gồm thị trấn Cần Giuộc và các xã: Long Phụng, Đông Thạnh, Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Phước Lại, Long Hậu thuộc huyện Cần Giuộc, được bầu 04 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 14: Huyện Thạnh Hóa, được bầu 02 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 15: Huyện Tân Thạnh, được bầu 03 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 16: Huyện Vĩnh Hưng, được bầu 02 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 17: Huyện Tân Hưng, được bầu 02 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 18: Huyện Mộc Hóa, được bầu 02 đại biểu.

- Đơn vị bầu cử số 19: Thị xã Kiến Tường, được bầu 02 đại biểu.

Câu 3.      Những người nào được gọi là cử tri? Cách tính tuổi công dân để ghi tên vào danh sách cử tri được quy định như thế nào?

Cử tri là người có quyền bầu cử. Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - là người có quốc tịch Việt Nam, tính đến ngày bầu cử (Ngày 23 tháng 5 năm 2021), đủ 18 tuổi trở lên và có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về bầu cử đều có quyền bầu cử.

Công dân từ đủ 18 tuổi tính đến Ngày bầu cử 23 tháng 5 năm 2021, tức là có ngày sinh từ ngày 23 tháng 5 năm 2003 trở về trước thì được xác định là đủ tuổi để được ghi vào danh sách cử tri để bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cách tính tuổi công dân được thực hiện như sau:

- Tuổi của công dân được tính từ ngày, tháng, năm sinh ghi trong Giấy khai sinh đến ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được ấn định (ngày 23 tháng 5 năm 2021). Trường hợp không có Giấy khai sinh thì căn cứ vào thông tin ghi trong Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng minh nhân dân, Căn cước công dân, Hộ chiếu để tính tuổi thực hiện quyền bầu cử, ứng cử.

- Mỗi tuổi tròn được tính từ ngày, tháng sinh dương lịch của năm trước đến ngày, tháng sinh dương lịch của năm sau.

- Trường hợp không xác định được ngày sinh thì lấy ngày 01 của tháng sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử. Trường hợp không xác định được ngày và tháng sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh làm căn cứ để xác định tuổi thực hiện quyền bầu cử và ứng cử.

Câu 4.      Những người nào không được ghi tên vào danh sách cử tri? Nguyên tắc ghi tên vào danh sách cử tri được quy định như thế nào?

Những người thuộc các trường hợp sau đây không được ghi tên vào danh sách cử tri:  Người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án; Người đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo;  Người mất năng lực hành vi dân sự.

Mọi công dân có quyền bầu cử đều được ghi tên vào danh sách cử tri và được phát thẻ cử tri, trừ các trường hợp quy định nêu trên. Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình thường trú hoặc tạm trú. Cử tri là người tạm trú và có thời gian đăng ký tạm trú tại địa phương chưa đủ 12 tháng, cử tri là quân nhân ở các đơn vị vũ trang nhân dân được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ở nơi tạm trú hoặc đóng quân. Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ, thì đến Ủy ban nhân dân cấp xã xuất trình Hộ chiếu có ghi quốc tịch Việt Nam để được ghi tên vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri ;

 Cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc được ghi tên vào danh sách cử tri để bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, tạm giữ, đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Câu 6. Thẩm quyền lập danh sách cử tri, Niêm yết danh sách cử tri và cử tri Bỏ phiếu ở nơi khác được quy định như thế nào?

Danh sách cử tri do Ủy ban nhân dân cấp xã lập theo từng khu vực bỏ phiếu.

Đối với huyện không có đơn vị hành chính xã, thị trấn thì Ủy ban nhân dân huyện có trách nhiệm lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu.

 Danh sách cử tri trong đơn vị vũ trang nhân dân do chỉ huy đơn vị lập theo đơn vị vũ trang nhân dân để đưa vào danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu nơi đơn vị đóng quân. Quân nhân có hộ khẩu thường trú ở địa phương gần khu vực đóng quân có thể được chỉ huy đơn vị cấp giấy chứng nhận để được ghi tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở nơi thường trú. Khi cấp giấy chứng nhận, chỉ huy đơn vị phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại đơn vị vũ trang nhân dân bên cạnh tên người đó cụm từ "Bỏ phiếu ở nơi cư trú".

Chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để Nhân dân kiểm tra.

Từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu.

Câu 7. Công dân có quyền Khiếu nại về danh sách cử tri không?

Công dân có quyền này: Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh, sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Câu 8. Người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử bị xử lý như thế nào?

Điều 95 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đã quy định rõ: Người nào dùng thủ đoạn lừa gạt, mua chuộc hoặc cưỡng ép làm trở ngại việc bầu cử, ứng cử của công dân; vi phạm các quy định về vận động bầu cử; người có trách nhiệm trong công tác bầu cử mà giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu bầu hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bầu cử hoặc vi phạm các quy định khác của pháp luật về bầu cử thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân mà có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử (như kê khai hồ sơ ứng cử không trung thực, gian dối, giả mạo thông tin, vi phạm các quy định về vận động bầu cử…) thì có thể bị xóa tên trong Danh sách chính thức những người ứng cử hoặc nếu đã được bầu thì cũng không được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân./.

P.PBGDPL.STPLA


SỞ TƯ PHÁP TỈNH LONG AN

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp
Địa chỉ: 151 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 1, Tp.Tân An, Long An 

Điện thoại: Văn Phòng Sở (0272) 3829522. Phòng PBGDPL - Ban Biên tập Website(0272) 3837 736 * Email: phongpbgdpl@longan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang