Quy định mới của Bộ Tư pháp về mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên
Ngày 31/3/2025, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư 03/2025/TT-BTP, có hiệu lực từ ngày 15/5/2025, nhằm quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch pháp chế viên. Thông tư này áp dụng cho công chức giữ các ngạch pháp chế viên tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác pháp chế trong bộ máy hành chính nhà nước.
Dưới đây là những nội dung mới và quan trọng trong Thông tư này:
Quy định mã số và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cho các ngạch pháp chế viên
Thông tư quy định cụ thể mã số và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cho ba ngạch pháp chế viên:
- Pháp chế viên cao cấp: Mã số 15.001
- Pháp chế viên chính: Mã số 15.002
- Pháp chế viên: Mã số 15.003
Việc phân định mã số này nhằm chuẩn hóa quản lý đội ngũ cán bộ pháp chế trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước.
Xếp lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ
Công chức các ngạch pháp chế viên được xếp lương theo Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong cơ quan Nhà nước (Bảng 2) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Cụ thể:
- Ngạch pháp chế viên: áp dụng bảng lương công chức loại A1.
- Ngạch pháp chế viên chính: áp dụng bảng lương công chức loại A2, nhóm A2.1.
- Ngạch pháp chế viên cao cấp: áp dụng bảng lương công chức loại A3, nhóm A3.1.
Điều kiện nâng ngạch
Thông tư quy định rõ điều kiện để công chức được nâng ngạch, bao gồm việc đáp ứng các tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và các điều kiện khác theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức.
Theo đó, tại Thông tư 03/2025/TT-BTP, Bộ Tư pháp đã quy định cụ thể về yêu cầu đối với pháp chế viên chính dự thi nâng ngạch lên ngạch pháp chế viên cao cấp như sau:
Đối với pháp chế viên chính dự thi nâng ngạch lên ngạch pháp chế viên cao cấp, ngoài các tiêu chuẩn tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 Thông tư và quy định của Chính phủ, người dự thi còn phải đáp ứng các điều kiện:
- Có thời gian giữ ngạch pháp chế viên chính hoặc tương đương tối thiểu là 06 năm (đủ 72 tháng), được tính cộng dồn đến ngày hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi. Trường hợp có thời gian giữ ngạch tương đương thì phải có ít nhất 01 năm (đủ 12 tháng) giữ ngạch pháp chế viên chính, cũng được tính cộng dồn đến thời điểm trên.
- Trong thời gian giữ ngạch pháp chế viên chính hoặc tương đương, đã:
+ Chủ trì xây dựng hoặc thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, bộ, ban, ngành hoặc cấp tỉnh do cơ quan sử dụng công chức chủ trì nghiên cứu, xây dựng, thẩm định, đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu đạt yêu cầu;
+ Hoặc tham gia thẩm định ít nhất 05 văn bản quy phạm pháp luật.
Cụ thể yêu cầu chứng minh gồm có:
- Văn bản của người có thẩm quyền cử tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
- Văn bản của người có thẩm quyền giao nhiệm vụ tham gia hoặc chủ trì thẩm định, nghiên cứu, xây dựng các đề tài, dự án, hoặc báo cáo thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật.
Lưu ý: Chức trách của pháp chế viên cao cấp là công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao nhất về pháp chế ở Trung ương, chịu trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật ở nhiều lĩnh vực hoặc ít nhất một lĩnh vực chuyên sâu. Họ tham mưu tổng hợp, hoạch định chính sách; xây dựng, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức công tác pháp chế của ngành, lĩnh vực và thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, hướng dẫn nghiệp vụ pháp chế.
Thông tư 03/2025/TT-BTP là bước tiến quan trọng trong việc chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ pháp chế viên, góp phần tăng cường hiệu quả công tác pháp chế trong các cơ quan nhà nước./.
Diễm Trinh