image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bộ Văn hoá, Thể Thao và Du lịch hướng dẫn triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

Nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương; qua đó, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó, đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ phụ nữ, trẻ em, xây dựng gia đình hạnh phúc. 

Thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022; Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 08 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, ngày 10/4/2025, tại văn bản số 1513/BVHTTDL-VHCSGĐTV, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các bộ, ngành, tổ chức đoàn thể trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 với những nội dung sau:

1. Chủ đề truyền thông: “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”.

2. Thời gian: từ ngày 01/6/2025 đến ngày 30/6/2025.

3. Khẩu hiệu truyền thông

- Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025;

- Hãy hành động để xây dựng gia đình không có bạo lực, góp phần phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam;

- Phòng, chống bạo lực gia đình là trách nhiệm của toàn xã hội;

- Đầu tư cho công tác phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển bền vững;

- Hạnh phúc sẽ tỏa sáng trong gia đình không có bạo lực;

- Chủ động phòng ngừa và ứng phó với bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội;

- Hãy chấm dứt bạo lực trong gia đình;

- Hãy tố cáo hành vi bạo lực gia đình;

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cộng đồng trong phòng, chống bạo lực gia đình;

- Cản trở việc phát hiện, báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật.

- Mọi hành vi bạo lực gia đình cần được phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm.

- Kỳ thị, phân biệt đối xử về hình thể, giới, giới tính, năng lực của thành viên gia đình là hành vi bạo lực gia đình.

- Cưỡng ép mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi là hành vi bạo lực gia đình.

- Cưỡng ép tảo hôn, kết hôn, ly hôn hoặc cản trở kết hôn, ly hôn hợp pháp là hành vi bạo lực gia đình.

- Bỏ mặc, không chăm sóc là hành vi bạo lực đối với người cao tuổi.

- Bạo lực gia đình làm suy giảm khả năng học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ em.

- Bảo vệ trẻ em sống an toàn ngay tại gia đình là trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên gia đình;

- Người có hành vi bạo lực gia đình sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật.

4. Tùy thuộc vào điều kiện cụ thể, từng bộ, ngành, tổ chức đoàn thể trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cân nhắc và lựa chọn việc tổ chức các hoạt động truyền thông hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình, theo các hình thức sau:

- Tổ chức Lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025

- Tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

- Tổ chức các hoạt động truyền thông khác: Tăng cường truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình trên báo in, báo điện tử; trang tin điện tử, đài phát thanh, truyền hình cũng như hệ thống truyền thanh xã, phường, thị trấn thông qua xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tọa đàm, phóng sự, phim ngắn, chương trình phát thanh lồng ghép nội dung phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giải trí, chương trình quảng cáo và các chương trình tọa đàm, giao lưu với người có tầm ảnh hưởng,…

- Truyền thông qua mạng xã hội: Truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình trên hệ thống mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube, Viber,…); tin nhắn điện thoại; các loại hình truyền thông trên nền tảng internet; thông qua các hình thức truyền tải thông điệp hiệu quả cao như: infographic, videoclip, audioclip (khuyến khích hợp tác với người có tầm ảnh hưởng trong xã hội để tạo hiệu ứng truyền thông).

- Truyền thông trực tiếp và truyền thông nhân sự kiện: Tổ chức truyền thông cá nhân và truyền thông nhóm về phòng, chống bạo lực gia đình tại gia đình và cộng đồng. Lấy lực lượng công an xã, cán bộ văn hóa – xã hội, cộng tác viên dân số, gia đình và trẻ em tại địa phương làm nòng cốt…Dàn dựng các chương trình, tiểu phẩm có nội dung liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình để truyền thông thông qua hoạt động biểu diễn nghệ thuật…

- Sản xuất và nhân bản tài liệu truyền thông: Xây dựng các cụm pano, khẩu hiệu, treo băng rôn tại các địa điểm công cộng có đông người qua lại như các trục đường giao thông chính, các bến xe, công viên; cửa ngõ thành phố, xã phường, thôn, ấp, bản và cổng các cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện; phổ biến các ấn phẩm truyền thông phòng, chống bạo lực gia đình khác như áp phích, tranh gấp, tờ rơi, sách mỏng về phòng, chống bạo lực gia đình…

- Tổ chức các hoạt động chuyên môn (hội nghị, hội thảo, tập huấn…) về phòng, chống bạo lực gia đình;  Tổ chức biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống bạo lực gia đình…

P.PBGDPL.STPLA

1 2 3 4 5  ... 

SỞ TƯ PHÁP TỈNH LONG AN

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp
Địa chỉ: 151 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 1, Tp.Tân An, Long An 

Điện thoại: Văn Phòng Sở (0272) 3829522. Phòng PBGDPL - Ban Biên tập Website(0272) 3837 736 * Email: phongpbgdpl@longan.gov.vn

 

Chung nhan Tin Nhiem Mang