image banner
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024

Ngày 10/7/2024, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 06 tháng đầu năm 2024 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu (điểm cầu Trung ương - điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Hội nghị do đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì; các đồng chí Thứ trưởng Bộ Tư pháp: Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng cùng dự. Dự Hội nghị sơ kết còn có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan của Quốc hội và địa phương.

 
Anh-tin-bai

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, các Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Trần Tiến Dũng chủ trì hội nghị.(ảnh nguồn https://moj.gov.vn/)

Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì tại điểm cầu tỉnh Long An; tham dự Hội nghị có các đại biểu đại diện Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, Lãnh đạo các Phòng, Trung tâm thuộc Sở Tư pháp; Phòng Tư pháp cấp huyện; Công chức Tư pháp - Hộ tịch.

Anh-tin-bai

Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì tại điểm cầu tỉnh Long An

Theo đanh giá của Bộ Tư pháp: Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành Tư pháp đã bám sát sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, sự điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp, đoàn kết, trách nhiệm, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ theo các chương trình, kế hoạch công tác, các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thêm, đặc biệt là 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác được đề ra tại Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.

Anh-tin-bai

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An

Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 1) trong số các bộ, ngành được đánh giá. Trong 06 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 292 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL); các địa phương ban hành 1.528 VBQPPL cấp tỉnh, 1.038 VBQPPL cấp huyện và 810 VBQPPL cấp xã.

Đối với công tác thi hành án dân sự, trong 09 tháng đầu năm 2024 (thời gian tính theo tháng kế tiếp tháng tổng kết của năm liền trước), toàn Hệ thống thi hành án dân sự (THADS) đã thi hành xong gần 404.000 việc, tăng 21.711 việc (tăng 5,68% so với cùng kỳ năm 2023); đạt tỉ lệ 65,24% với hơn 73.000 tỷ đồng; tăng hơn 2.736 tỷ đồng (tăng 3,89% so với cùng kỳ năm 2023), đạt tỉ lệ 27,6% (giảm 4,86% so với cùng kỳ năm 2023). Kết quả theo dõi thi hành án hành chính (THAHC) 06 tháng đầu năm đạt kết quả tích cực, cụ thể, các cơ quan THSDS thực hiện theo dõi 1.387 việc, trong đó số cũ chuyển sang là 776 việc, số tiếp nhận mới là 611 việc; đã thi hành xong 400 việc (tăng 184  bản án so với cùng kỳ năm 2023); đang tiếp tục thi hành 979 bản án.

Trong 06 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức 305.128 cuộc tuyên truyền pháp luật cho hơn 24 triệu lượt người; tổ chức 4.154 cuộc thi cho khoảng 4 triệu lượt người dự thi; phát hơn 22 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Năm 2023, đến nay có 10.177/10.578 đơn vị cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (đạt 96.1%). Trong 06 tháng đầu năm, cả nước tiếp nhận hơn 46.627 vụ việc hòa giải, tổng số vụ việc được hòa giải 45.112 vụ việc, số vụ việc hòa giải thành 37.628 vụ việc, đạt tỉ lệ 83,4%, qua đó góp phần quan trọng trong ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tiếp tục được xác định là giải pháp chủ yếu để hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành Tư pháp. Bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực, triển khai toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về “Tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo”. Đặc biêt, trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất, lộ trình xử lý VBQPPL để thực thi các phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân theo yêu cầu của Tổ Công tác Đề án 06 của Chính phủ; triển khai giải pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID. 63/63 địa phương đã cung cấp dịch vụ công (gồm: đăng ký khai sinh; đăng ký khai tử; đăng ký kết hôn) trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh/thành phố, kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia; đồng thời triển khai kết nối liên thông dữ liệu giữa Cổng Dịch vụ công/Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử...

Các mặt công tác khác của Bộ, ngành Tư pháp cũng tiếp tục được triển khai nghiêm túc, chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của của các cấp và đạt được nhiều kết quả tích cực;...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về một số nội dung như: các khó khăn, vướng mắc và giải pháp thực hiện trong công tác thi hành án; tổ chức triển khai Nghị định số 56/2024/NĐ-CP ngày 18/5/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; giải pháp để triển khai số hóa sổ hộ tịch, hưởng ứng Kế hoạch thi đua cao điểm “Đẩy mạnh tiến độ hoàn thành số hóa dữ liệu hộ tịch”; các điều kiện cần thiết để thi hành Luật Đấu giá tài sản…

Những tháng cuối năm 2024, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, rất khó dự báo, gây nhiều khó khăn, thách thức lớn đối với nước ta, nhất là trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội, đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết, xử lý và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh mới, đột xuất, trong đó có cả vấn đề pháp lý, tư pháp. Trước bối cảnh đó, tiếp tục kế thừa, phát huy giá trị truyền thống, những kết quả đạt được và với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được nhận diện trong thực hiện công tác tư pháp 06 tháng đầu năm; bám sát chủ trương, định hướng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Quốc hội và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp xác định tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch công tác đã ban hành, nhất là trong việc triển khai 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 130 nhóm nhiệm vụ cụ thể trên các lĩnh vực đã được đề ra tại Chương trình hành hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 của Chính phủ.

 Phan Đức

 

 

SỞ TƯ PHÁP TỈNH LONG AN

Chịu trách nhiệm chính: Bà Phan Thị Mỹ Dung - Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Tư pháp
Địa chỉ: 151 Nguyễn Đình Chiểu, Phường 1, Tp.Tân An, Long An 

Điện thoại: Văn Phòng Sở (0272) 3829522. Phòng PBGDPL - Ban Biên tập Website(0272) 3837 736 * Email: phongpbgdpl@longan.gov.vn

Chung nhan Tin Nhiem Mang